Van Gaal vẫn chưa đặt chân lên đất Anh nhưng Old Trafford đã sắp phải đối diện với những ngày sóng gió.
Trong một năm, Manchester United đã ra 4 quyết định lớn liên quan đến ghế HLV. Thứ nhất, Sir Alex Ferguson nghỉ hưu sau 27 năm cầm quân. Thứ hai, David Moyes được bổ nhiệm thay thế trong những cái nhìn ngờ vực. Moyes bị sa thải là quyết định lớn thứ ba. Và cuối cùng, Louis van Gaal thay Moyes.
Trong 3 cái tên, Moyes không chỉ thua kém 2 bậc tiền bối về danh tiếng và kinh nghiệm mà còn cả về cá tính lẫn khả năng kiểm soát phòng thay đồ. Trong khi đó, Van Gaal và Alex Ferguson tương đối giống nhau, họ đều là những nhà chiến thuật bậc thầy và rất giàu kinh nghiệm làm việc trong môi trường bóng đá đỉnh cao.
Bài viết này không nhắm tới những vấn đề chuyên môn: phong cách bóng đá, tư duy chiến thuật, tầm quan sát và khả năng đọc trận đấu… Người viết nhìn nhận theo một thiên hướng khác, dưới góc nhìn Quan hệ công chúng (PR).
Giống Ferguson và khác Ferguson
David Moyes không phù hợp với tầm vóc của MU không chỉ bởi ông hay thua mà còn ở phản xạ yếu ớt của ông sau những thất bại. Camera truyền hình luôn bắt được gương mặt nhăn nhó, buồn bã, cái lắc đầu yếu đuối… của ông mỗi khi United nhận một bàn thua. Lâu dần, nó trở thành biểu tượng cho sự yếu ớt của cả đội bóng.
"Manchester là thiên đường", OK. Nhưng Van Gaal có biến nó thành địa ngục?
Về điểm này, Moyes thua xa Ferguson, một bậc thầy về PR. Ferguson luôn phản ứng với thất bại bằng thái độ giận dữ và khôn khéo giảm tải sức ép cho đội bóng bằng những lời chỉ trích vào trọng tài, lịch thi đấu, đối thủ hoặc đôi khi là chính cầu thủ của mình. Moyes thì khác, ông cam chịu và nếu có kháng cự cũng rất yếu ớt.
Van Gaal là sự đối nghịch của Moyes, ông là một HLV danh tiếng, chơi thứ bóng đá tấn công quyến rũ và giỏi phát hiện những tài năng trẻ (dù cũng có “vết” ruồng rẫy những cựu binh). Moyes cam chịu, còn Van Gaal mạnh mẽ và cá tính. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Van Gaal giống Ferguson. Trái lại, Van Gaal lại rất yếu khi nhìn từ góc độ PR.
Các chuyên gia Quan hệ công chúng chỉ ra rằng sự nóng giận của Alex Ferguson là sự nóng giận đầy toan tính, có chiến lược rõ ràng và rất hiếm khi ông mất kiểm soát. Khi Fergie nóng nảy và chỉ trích một ai đó có nghĩa là ông đang đi một nước cờ. Ngược lại, Van Gaal nóng giận vô cớ. Ferguson không bao giờ chửi thẳng mặt phóng viên theo kiểu của Van Gaal (ví dụ kinh điển, “tôi quá thông minh hay anh quá ngu?”).
Hơn nữa, Ferguson làm việc ở MU, nơi ông luôn được nói tiếng mẹ đẻ của mình, trong khi Van Gaal lang bạt tứ xứ và cách biệt về ngôn ngữ gây ra khoảng cách trong quan hệ (Van Gaal không có năng khiếu ngoại ngữ như Jose Mourinho và vì vốn tiếng Anh yếu, ông thường phô bộ mặt đỏ gay trong phòng họp báo trước những câu hỏi vặn vẹo từ cánh nhà báo). Hugo Borst, tác giả cuốn sách mới về Van Gaal từng nói: “Ông ấy ở đẳng cấp số 1 về nghề nghiệp nhưng giao tiếp với báo chí lại là cả một vấn đề”. Bài học từ Barcelona cho thấy, Van Gaal mất việc từ phòng họp báo hơn là từ sân bóng.
Một “con quỷ” ở bên trong Van Gaal
Simon Mullock của tờ Mirror mô tả rằng Louis Van Gaal "giống như có một con quỷ ở bên trong" bởi ông luôn muốn kiểm soát mọi thứ ở cầu thủ của mình, cả về đời sống riêng tư.
Từ thời ở Ajax, Van Gaal đã xung khắc với các trọng tài
Cách làm việc của Van Gaal là ngay khi đến một CLB mới, ông luôn tổ chức những cuộc gặp 1-đối-1 với từng cầu thủ. Trong phòng chỉ có 2 con người, và ông dành cho đối phương những câu hỏi xoáy. Ông muốn nhìn thấu tâm can của người đối diện, ném cho họ cái nhìn dò xét và có đánh giá riêng về mỗi người.
Van Gaal không kiêng nể ai cả. Ngay cả siêu sao như Wayne Rooney và Juan Mata cũng sẽ phải đối diện với câu hỏi rằng họ sử dụng thời gian của mình thế nào khi không ở CLB. Họ sẽ được hỏi về các vấn đề gia đình, chẳng hạn “vợ anh tên gì”, “các con anh bao nhiêu tuổi”, “anh có đi hộp đêm bao giờ không”, “anh có uống rượu hay hút thuốc không”, “anh có thích xem phim hay đến rạp hát không”…
Chỉ khi đã biết tường tận về cuộc sống riêng tư của mỗi cầu thủ, Van Gaal mới chuyển sang vấn đề công việc. Ông sẽ hỏi về vị trí muốn được chơi, điểm mạnh/yếu, và khát vọng của mỗi người…
Jean-Paul Boetius, tiền vệ 21 tuổi được Van Gaal cho ra mắt ĐT Hà Lan hồi tháng 3 đã nói về người thầy của mình như sau: “Ông Van Gaal làm việc với cầu thủ không chỉ trên sân tập, ông ấy thích gọi mỗi người đến để nói chuyện riêng về những chủ đề chẳng liên quan gì tới bóng đá”.
Biểu ngữ đuổi Van Gaal của CĐV Barca
Một học trò của Van Gaal ở Ajax, Peter van Vossen, còn kể câu chuyện Van Gaal đã lái xe đến nhà anh, ngó nghiêng khắp nơi và khuyên anh đừng sơn nhà bếp màu trắng.
Những cầu thủ trẻ như Boetius có thể vui vẻ khi ĐƯỢC diện kiến và trò chuyện với Van Gaal nhưng với những ngôi sao như Rooney, đó có thể là BỊ. Và hẳn sẽ có không ít người cảm thấy phiền toái bởi Van Gaal luôn yêu cầu không ai được đeo headphone khi cả đội di chuyển trên xe bus, bởi ông sẽ không ngừng tán gẫu và mọi người có nghĩa vụ phải nghe dù thích hay không.
Không khó hiểu khi Van Gaal giỏi biến những cầu thủ trẻ thành ngôi sao nhưng lại luôn gặp khó khăn với những ngôi sao bướng bỉnh. Mà nhóm đối tượng này ở MU bây giờ không thiếu, họ không phải những cậu nhóc mà Van Gaal từng dạy dỗ ở Ajax 20 năm trước. Thậm chí ngay một người trẻ như Joel Veltman của Ajax cũng “tố” HLV 62 tuổi “luôn đặt mình lên trên tất cả những người khác”.
Van Gaal vẫn chưa đặt chân lên đất Anh nhưng Old Trafford đã sắp phải đối diện với những ngày sóng gió.
Post a Comment