Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.
Để biện minh cho hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981, được hộ tống bởi một lực lượng tàu, máy bay hùng hậu, trong đó chủ yếu là tàu, máy bay quân sự, hung hăng quần đảo trong một phạm vi biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc lại tung ra trên các phương tiện truyền thông hàng loạt bài viết, phát biểu, phân tích, bình luận… Đặc biệt là phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc Vương Quán Trung về yêu sách “đường 9 đoạn” với tựa đề “hơn 2000 năm qua Tây Sa, Nam Sa đều thuộc về Trung Quốc” đăng trên Báo Giải Phóng quân Trung Quốc ngày 02/6/2014. Đây cũng chính là nội dung phát biểu của Vương Quán Trung tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La (Singapore) ngày 31/5/2014.
Nội dung phát biểu của Vương Quán Trung thực chất cũng chỉ lặp lại những luận điệu mà phía Trung Quốc đã từng nêu trước đây, chẳng hạn: thứ nhất, yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại “Nam Hải” được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Quá trình lịch sử này dài đến hơn 2000 năm, bắt đầu từ đời Hán, Trung Quốc đã phát hiện và từng bước hoàn thiện việc quản lý “Nam Hải”, đặc biệt là các đảo, đá ở “Nam Sa” và vùng biển liên quan; thứ hai, quần đảo “Tây Sa”, quần đảo “Nam Sa” trong hơn 2000 năm qua đều nằm dưới sự quản hạt của Trung Quốc, đều thuộc về Trung Quốc. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đã xâm lược quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc. Năm 1946, Chính phủ Trung Quốc căn cứ theo “Tuyên bố Postdam” và “Tuyên bố Cairo”, đã thu hồi chủ quyền quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” từ trong tay của kẻ xâm lược Nhật Bản. Năm 1948, Chính phủ Trung Quốc đã vạch ra và công bố “đường 9 đoạn” mà ngày nay nói đến. Một số lượng lớn các tài liệu lịch sử và bản đồ do các nước xuất bản đều ghi lại hoặc phân ranh giới rõ ràng như vậy; thứ ba, lâu nay, các quốc gia láng giềng không hề đưa ra chất vấn về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với quần đảo “Nam Sa”, quần đảo “Tây Sa” và vùng biển phụ cận.
Vậy thật hư, đúng sai trong các luận điểm nói trên của Trung Quốc như thế nào? Thiết nghĩ, chúng ta hãy một lần nữa cùng nhau xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học trên tinh thần thật sự cầu thị.
1. Trung Quốc đã tiến hành “chiếm hữu và thực thi” chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như thế nào?
1.1. Qua nghiên cứu những hồ sơ tư liệu hiện có có liên quan đến quá trình Trung Quốc tiến xuống Biển Đông, có thể thấy rằng Trung Quốc bắt đầu nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa là vào đầu thế kỷ thứ XX (năm 1909), đó là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho Nhà nước Việt Nam lúc đó, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.
Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.
Lâm Tuân (người mặc áo trắng) chỉ huy hạm đội gồm 4 chiếc (Thái Bình, Trung Nghiệp, Vĩnh Hưng, Trung Kiến) đi ra Trường Sa, Hoàng Sa giải giáp quân đội Nhật năm 1946.
Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, Chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Khai hỏa, Hải chiến Hoàng Sa 1974.
Tàu Trung Quốc cắt mũi tàu Hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
1.2. Đối với quần đảo Trường Sa:
Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”.
Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình.
Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía Tây Bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển..
Hải chiến Gạc Ma 1988.
Tàu HQ 604 của lực lượng Công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam tham chiến Hải chiến Gạc Ma 1988.
Những gương mặt chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam tham gia Hải chiến Gạc Ma 1988.
Năm 1995, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 9 vị trí. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 01 bãi cạn rạn san hô, bãi cạn Bàn Than.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “ Tây Sa” và “Nam Sa”.
Những nội dung lịch sử, địa lý… mà phía Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền trên mọi phương tiện, mọi lúc, mọi nơi thực hư như thế nào? Giá trị của chúng đến đâu?
Qua nghiên cứu thấy rằng, đúng là các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong đó, nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền và việc nhân dân Trung Quốc "đến hai quần đảo này hàng hải, sản xuất". Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung về các địa điểm chứ không có ý nghĩa đáng kể trong pháp lý, nhờ đó, có thể đặt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cụ thể:
Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc, 220-265) viết dưới triều Hán Vũ Đế là cuốn sách hướng dẫn hàng hải trong Biển Đông nhưng lại rất không chính xác, không thể căn cứ vào đó để xác minh được quần đảo này hay quần đảo khác trong số hai quần đảo ngày nay đang bị tranh chấp.
Phù Nam truyện của Khang Thái viết cùng thời kỳ này ghi nhận rằng, đã gặp trong Trướng Hải các đảo san hô và khẳng định đây là những mô tả về quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, đoạn trích này rất mơ hồ, rất thiếu chính xác, không thể căn cứ vào đó để nói rằng đó chính là Trường Sa.
Các tác phẩm khác như Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi (đời Tống, 1178), Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát (đời Tống, 1225), Đảo di chí lược của Vương Đại Uyên (đời Nguyên, 1349), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp (1618), Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi (1628), Hải quốc văn kiến lục viết dưới đời Thanh, Hải Lục của Vương Bính Nam (1820), Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên (1848) và Doanh hoàn chí lược của Bành Ôn Chương (1848)… là một tập hợp các tác phẩm liên quan đến các chuyến đi, các chuyến khảo địa lý, sách hàng hải liên quan tới các nước bên ngoài Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Đầu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam cho rằng, thật khó có thể chấp nhận với các tác giả Trung Quốc khi họ rút ra từ đó kết luận: Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ của Trung Quốc: “Bản đồ cổ của Trung Hoa vẽ về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XV ghi rõ địa điểm của Việt Nam là Giao chỉ quốc, nước Giao chỉ và biển thì ghi rõ là Giao chỉ dương, tức là ghi rõ đất liền là Giao chỉ quốc và biển là biển của Giao chỉ là Giao chỉ dương. Hàng trăm bản đồ quốc tế khác cũng đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tất cả đều rất thống nhất với nhau”.
Người Trung Quốc còn đưa ra các dẫn chứng khác để chứng minh chủ quyền từ lâu đời của mình đối với hai quần đảo này.
Đó là dưới thời Bắc Tống (thế kỷ thứ X-XII), các cuộc tuần tra quân sự của nước này đã được tổ chức, xuất phát từ Quảng Đông đi tới Hoàng Sa, rồi kết luận rằng "triều đình Bắc Tống đã đặt quần đảo Tây Sa và phạm vi cai quản của mình", "hải quân Trung Quốc đã đi tuần tra đến vùng quần đảo Tây Sa". Tuy nhiên, khi phân tích kỹ dữ liệu này thấy rằng, đó không phải là cuộc tuần tra mà chỉ là chuyến thăm dò địa lý cho tới tận Ấn Độ Dương, không minh chứng một sự chiếm hữu nào.
Sự kiện thứ hai là việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn sự kiện đo đạc thiên văn đầu đời Nguyên ở "Nam Hải" để nói rằng "quần đảo Tây Sa đã nằm trong cương vực Trung Quốc đời Nguyên".
Theo Nguyên Sử, bộ sử chính thức của nhà Nguyên, việc đo đạc thiên văn đầu đời Nguyên được ghi chép như sau: "Việc đo bóng mặt trời bốn biển ở hai mươi bảy nơi, phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc". Dưới đầu đề "đo đạc bốn biển", Nguyên Sử chép rõ tên 27 nơi đo đạc trong đó có Cao Ly, Thiết Lặc, Bắc Hải, Nam Hải.
Từ sự ghi chép trong Nguyên Sử, thấy rõ việc đo đạc thiên văn ở hai mươi bảy nơi không phải là "đo đạc" "toàn quốc" như văn kiện của Bắc Kinh nói mà là "đo đạc bốn biển", cho nên mới có cả một số nơi ngoài "cương vực Trung Quốc" như Cao Ly nay là Triều Tiên, Thiết Lặc nay thuộc vùng Xi-bia của Liên Xô, Bắc Hải nay là vùng biển phía bắc Xi-bia, Nam Hải tức Biển Đông.
Mặt khác, chính Nguyên Sử cũng đã nói rõ "cương vực" Trung Quốc đời Nguyên, phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam.
Cuối cùng, người Trung Quốc đưa ra các tài liệu về một cuộc tuần biển được tổ chức trong khoảng các năm 1710-1712 dưới triều nhà Thanh. Ngô Thăng, Phó tướng thủy quân Quảng Đông đã chỉ huy chuyến đi này. Người Trung Quốc khẳng định đã đi qua vùng biển tương ứng với vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và kết luận rằng, vùng biển này “lúc đó do hải quân tỉnh Quảng Đông phụ trách tuần tiễu”. Tuy nhiên, nếu dõi theo hành trình này trên bản đồ, dễ dàng nhận xét rằng, đó chỉ là một con đường đi vòng quanh đảo Hải Nam chứ không phải là hành trình tới các biển xa. Đoạn văn viết: “Từ Quỳnh Nhai, qua Đồng Cổ, Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, vòng quanh ba ngàn dặm”. Xin được chú thích cho rõ các địa danh này: Quỳnh Nhai gần thị trấn Hải Khẩu ngày nay, phía Bắc đảo Hải Nam; Đồng Cổ ở mỏm Đông Bắc đảo Hải Nam; Thất Châu Dương là vùng biển có 7 hòn đảo gọi là Thất Châu nằm ở phía Đông đảo Hải Nam; Tứ Canh Sa là bãi cát ở phái Tây Đảo Hải Nam.
Quan trọng hơn, ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc cho rằng, những tài liệu do phía Trung Quốc đưa ra không có tính pháp lý: “Thời xưa, Trung Quốc có những nhà du hành, hàng hải, những thương thuyền, họ đi giao thiệp về chuyện buôn bán thì trong quá trình đi, họ nhìn thấy những vùng đảo, ghi chép thì đó là dạng sách du ký. Đó là những tài liệu không có tính pháp lý. Trung Quốc thường dựa vào các sách đó để nói rằng, nước này đã từng biết đến đảo này, chứ không phải tài liệu chính thống của Trung Quốc. Việc xác lập chủ quyền thì những điều được biên chép phải nằm trong chính sử hoặc trong sách mà bây giờ mình gọi địa chí, Trung Quốc gọi là phương chí, đó là những phương tiện được Nhà nước thừa nhận”.
Rõ ràng, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên kiểm soát thực sự các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vì nó thiếu hẳn các yêu cầu mà luật quốc tế thời đó đòi hỏi.
Cần biết thêm rằng, từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVII đã có sự phân biệt rất rõ ràng giữa phát hiện thăm dò (discover) và phát hiện chiếm hữu (to find). Năm 1523, Vua Bồ Đào Nha Charles V đã nhắc nhở Đại sứ của mình, ông Juan de Zunigo rằng, một lãnh thổ mà các tàu thuyền của Vương quốc Bồ Đào Nha gặp trên đường đi thì không thể được coi là đã mang lại cho họ một danh nghĩa trên lãnh thổ đó vì nó thiếu một hành vi chiếm hữu.
Các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu của nước này. Theo đó, có nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và nói rõ lãnh thổ của nước này có điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Trong đó, đáng chú ý là cuốn địa chí phủ Quỳnh Châu cũng như cuốn địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731. Điều này cũng được ghi trong Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ, phát hành năm 1894. Ngoài ra, quyển sách “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư”, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng: “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18o13’ Bắc”.
Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc cho biết: “Từ đời Hán đến đời Thanh đều có những bộ chính sử của triều đại, các mục địa lý chí nhưng chưa từng biên chép gì về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là điểm để người ta nhận ra rằng, Trung Quốc chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Các phần địa lý chí đều có mục xác nhận đơn vị hành chính nước này đến huyện Nhai, phủ Quỳnh Châu, tức là đảo Hải Nam”.
Qua việc xem xét kỹ các tư liệu do người Trung Quốc đưa ra, bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này.
2. Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
2.1. Nhà nước phong kiến Việt Nam suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
a. Nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn: Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của Đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
b. Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiên tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình.
Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù lao Ré, căn cứ xuất phát của Đội Hoàng Sa.
Năm 1775, Phường cù lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin cho phép Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong Biển Đông.
Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ 2 quần đảo Hoàng Sa vàTrường Sa: Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long (đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước), tuy bận việc nội trị, vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Tháng 7 năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa, lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa (theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 12).
- Tháng giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long quyết định sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình…(Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, q.50, tờ 6a).
Sang đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện…
Năm 1833, 1834, 1836 Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ…: mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, “Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc…
Như vậy, suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp… hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước.
Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: “Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên nam Tứ chí lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Một số tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý liên quan đến hoạt động của Đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn
2.2. Với tư cách là đại diện Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, Cộng hòa Pháp đã tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa:
Theo Hiệp ước Patenotre năm 1884, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đây là một số hoạt động chủ yếu, có giá trị pháp lý:
Sau một thời gian tổ chức các cuộc nghiên cứu, khảo sát tại thực địa của các nhà khoa học và những cuộc trao đổi giữa những chính khách Pháp có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Ngày 19 tháng 3 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty phosphat của Bắc kỳ.
Ngày 13 tháng 4 năm 1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trưởng De Lattre điều khiển ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương dựng bia chủ quyền, đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ thuộc. Ngày 23 tháng 9 năm 1930, Chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục.
Ngày 31 tháng 12 năm 1930, Phòng đối ngoại Phủ Toàn quyền Đông Dương gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp về những hoạt động đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ cận, cũng như các tư liệu khảo cứu về pháp lý bảo vệ cho sự kiện đóng giữ này.
Ngày 11 tháng 01 năm 1931, Thống sứ Nam kỳ thông báo cho Toàn quyền Đông Dương về việc sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Ngày 26 tháng 11 năm 1937, Pháp phái kỹ sư trưởng J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở quần đảo này.
Năm 1938, Pháp phái các đơn vị bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức khí tượng thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa.
Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa.
Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc
Cột mốc chủ quyền được dựng ở quần đảo Hoàng Sa năm 1938.
Trụ sở hành chính của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.
Ngày 29 tháng 3 năm 1938, vua Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Quảng Ngãi trước đây.
Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Tháng 6 năm 1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền đã được dựng tại đảo Hoàng Sa có khắc dòng chữ: “Republique Francaise – Empire d’Annam – Achipel de Paracel 1816- Ile de Pattle 1938”.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật bản tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4 tháng 4 năm 1939, Chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương J. Brevie ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành 2 đơn vị: “Croissant và các đảo phụ thuộc”, “Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.
Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943: Khi cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, hội nghị tam cường Anh - Mỹ - Trung (Cộng hòa Trung Hoa, đại diện lúc đó là Tưởng Giới Thạch) đã họp và ra một bản Tuyên bố tại Cai-rô (thủ đô Ai Cập). Tuyên bố có đoạn viết: “…Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa”. Như vậy là về phần lãnh thổ của Trung Quốc, Tuyên bố Cai-rô khẳng định ý chí của các cường quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc gồm “Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ”, không có gì liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 26 tháng 7 năm 1945, Tuyên bố Posdam khẳng định các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật thua trận phải rút khỏi Đông Dương và ngày 26 tháng 8 năm 1945, quân đội Nhật phải rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
2.3. Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam giai đoạn 1945- 1975:
Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Patenotre 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo Hiệp định ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp dựng nên chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1949, Tổ chức khí tượng thế giới (OMM: Organisation Mondiale de Meteorologie) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859; Trạm Hoàng Sa, số 48860; Trạm Ba Bình, số 48419.
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại. Tháng 4 năm 1949, Hoàng thân Bửu Lộc, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa chính phủ Pháp và chính phủ Bảo Đại.
Từ 5 tháng 9 đến 8 tháng 9 năm 1951, Hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật. Tại phiên họp toàn thể mở rộng, ngày 5 tháng 9, với kết quả 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng (Liên Xô là nước đề xuất nên không tham gia bỏ phiếu), Hội nghị đã bác bỏ đề nghị về việc tu chỉnh khoản 13 của Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung: Nhật thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam.
Ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nó droits sur les iles de Spratley et de Paracel qui de tout temps ont fait partie du Vietnam”. Không một đại biểu nào trong Hội nghị này có bình luận gì về tuyên bố này. Ngày 8 tháng 9 năm 1951, Hòa ước với Nhật được ký kết. Điều 2, Đoạn 7 của Hòa ước đã ghi rõ: “Nhật bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Spratly” (khoản f).
Ký Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951(nguồn:hoangsa.org)
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vỹ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của Chính quyền miền Nam Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị Geneve 1954 (nguồn:Gen-commons.jpg)
Tháng 4 năm 1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối: Ngày 24 tháng 5 và ngày 8 tháng 6 năm 1956, Việt Nam Cộng hòa ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.
Ngày 22 tháng 8 năm 1956, Tàu HQ04 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vệ quần đảo trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của một số nước.
Ngày 20 tháng 10 năm 1956, bằng Sắc lệnh 143/Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đã đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.
Năm 1960, Việt Nam Cộng hòa đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng 1 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27 tháng 6 năm 1961, bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 11 tháng 4 năm 1967, Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định 809 –NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức phái viên hành chính xã Định Hải (Hoàng Sa), quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 21 tháng 10 năm 1969, bằng Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 13 tháng 7 năm 1971, tại Hội nghị lần thứ VI Hiệp hội các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (ASPEC) tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Viêt Nam.
Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Từ 17 tháng 01 đến 20 tháng 01 năm 1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm phía Tây, quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã chiến đấu quả cảm, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không cản phá được hành động xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước Liên hợp quốc và công đồng quốc tế: ngày 19 tháng 1 năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiện này:
- Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.
- Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.
- Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Ngày 01 tháng 2 năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tăng cường lực lượng đóng giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình Trung Quốc tăng cường sức mạnh tiến hành xâm chiếm lãnh thổ mà theo nhận định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Trung cộng sẽ đánh Trường Sa và xâm chiếm bằng vũ lực giống như Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Mỹ”.
Ngày 02 tháng 7 năm 1974, tại Hội nghị luật biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc tại Caracas, Venezuela, đại biểu Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng.
Ngày 14 tháng 02 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
2.4. Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1975 đến nay:
Lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên Trường Sa sau ngày tiếp quản.
Ngày 05 tháng 04 năm 1975, Bộ tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 05 tháng 6 năm 1975, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 02 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng: chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”.
Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Viêt Nam.
Ngày 9 tháng 12 năm 1982, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11 tháng 12 năm 1982, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng.
Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội khóa 7 Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Nghị định số 65/NĐ/CP quyết định thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa:
- Thị trấn Trường Sa, gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận.
- Xã Song Tử Tây, gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận.
- Xã Sinh Tồn, gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận.
Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã huy động lực lượng vũ trang đánh chiếm các bãi cạn phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên hợp quốc và gửi các Công hàm tố cáo và phản đối Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi.
Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế”.
Ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 01 tháng 01 năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Ngày 25 tháng 4 năm 2009, Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa.
Yên nghỉ dưới chân đèn biển Sơn Ca
3. Quan điểm pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ:
3.1. Để khẳng định và bảo vệ cho yêu sách của mình, các bên đã dựa vào các nguyên tắc pháp lý như sau:
- Chiếm hữu thật sự.
- Chủ quyền lịch sử.
- Khoảng cách địa lý
Để đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra, chúng ta hãy đề cập đến một số nội dung chủ yếu của nguyên tắc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia trong pháp luật quốc tế .
Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ.
Từ thế kỷ XVI, do sự phát triển và lớn mạnh, các nước như Hà Lan, Anh, Pháp, đã trở thành những cường quốc cạnh tranh với các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà theo Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI ký ngày 4 tháng 5 năm 1493 đã phân chia khu vực ảnh hưởng cho hai nước này ở các phạm vi lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu.
Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện. Đó là nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”. Nguyên tắc này dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho một quốc gia nào đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc quyền phát hiện chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó. Bởi vì, người ta không thể xác định được thế nào là phát hiện, giá trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, lấy gì để ghi dấu hanh vi phát hiện đó… Vì thế, việc phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện ra đó. Mặc dù vậy, nguyên tắc chiếm hữu danh nghĩa không những không thể giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn, hàng vạn hải lý…, mà còn ngày càng dẫn đến những đối đầu quyết liệt hơn giữa các cường quốc vì người ta không thể lý giải được cụ thể cái “danh nghĩa” đã được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào …
Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Mỹ và sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sỹ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới. Đó là nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”.
Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau:
“Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên”.
“Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng…”
Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền…thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thực sự của Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.
Nội dung chủ yếu của nguyên tắc chiếm hữu thật sự trong luật pháp quốc tế bao gồm :
- Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.
- Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res Nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.
- Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
- Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ngày 10 tháng 9 năm 1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Chẳng hạn Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; Phán quyết của Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc tháng 11 năm 1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous. Gần đây hơn, Tòa án Công lý quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12 năm 2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì Tòa nhận thấy rằng Malaixia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước.
3.2. Căn cứ vào nguyên tắc pháp lý nói trên, đối chiếu với quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do các bên tranh chấp nêu ra, chúng ta chắc chắn sẽ có được những nhận xét khách quan và khoa học về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với hai quần đảo này:
Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “ Tây Sa” và “Nam Sa”.
Nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nguyên tắc chiếm hữu thật sự: Việt Nam đã chính thức tuyên bố rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.
3.3. Quá trình thụ đắc lãnh thổ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa như trình bày nói trên thực chất đó là những cuộc xâm lăng lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực. Những hành động đánh chiếm các đảo ,quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các cơ quan tài phán quốc tế bác bỏ một khi được đệ trình nhằm minh chứng cho “chủ quyền thiêng liêng bất khả phân” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Post a Comment