VNNEWS
Tiên Hiệp Kỳ Duyên
MMORPG cuộc chiến của tam giới, nhân vật sống động và Skill, hình ảnh đẹp vô đối...
Bắn Cà Chua
Đại chiến thế giới rau củ quả - Tấn công liên tục không cần 3G & Wifi...

Monday, July 21, 2014

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II

Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô vào hậu phương địch đã tạo nên bước ngoặt chiến tranh.

Từ những ý tưởng manh nha ban đầu, được xúc tiến bởi sự bế tắc khủng khiếp của "chiến tranh chiến hào" trong Thế Chiến I, lực lượng lính dù dần dần thu hút được sự quan tâm của quân đội các nước, trong bối cảnh thế giới hồi đó đang sôi sục chuẩn bị cho Thế Chiến II.

Trong thời gian này, nước Đức dưới chế độ Quốc xã của Hitler cũng tích cực xây dựng cho mình một lực lượng lính dù hùng hậu. Lính dù ở Đức được gọi bằng danh từ Fallschirmjager, ghép lại giữa hai từ “thợ săn” và “dù”.

Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra, và Đức là quân đội đầu tiên trên thế giới sử dụng lính dù trong chiến đấu. Chiến dịch đổ bộ bằng lính dù này được thực hiện vào năm 1940 trong cuộc xâm lược Na Uy và Đan Mạch.

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 1

Lực lượng lính dù Fallschirmjager của quân đội Đức trong Thế Chiến II

Vào rạng sáng ngày 9/4/1940, các “thợ săn dù” của Đức lao ra khỏi những chiếc máy bay vận tải Junkers Ju-52 và nhẹ nhàng bung dù đáp xuống sân bay Aalborg ở Đan Mạch. Một đơn vị khác nhanh chóng chiếm giữ các cây cầu gần đó trong sự bất ngờ đến choáng váng của quân Đan Mạch.

Trong các đợt nhảy dù tiếp theo, lính dù Fallschirmjager của Đức từ trên trời rơi xuống tấn công và chiếm giữ một pháo đài trên đảo Masnedo và cầu Stostrom, cắt đứt Masnedo với các hòn đảo xung quanh. Thành công của chiến dịch nhảy dù này tiếp tục được phát huy trên chiến trường Na Uy, khiến lực lượng phòng thủ địa phương không kịp trở tay.

Tiếp sau đó là cuộc xâm lược Crete vào năm 1941, khi cả một sư đoàn Đức được tung xuống lãnh thổ đối phương bằng dù. Hiệu quả của chiến thuật này đã vượt ngoài sức tưởng tượng của các sĩ quan chỉ huy Đức. Lính dù Đức đã gây ra tình trạng rối loạn và hoảng sợ trong lực lượng phòng thủ Crete khiến họ thất thủ nhanh chóng.

Nhiều nhà sử học khi phân tích về chiến dịch này đã kết luận rằng chính chất lượng của những người lính dù và sự hiệu quả của chiến thuật nhảy dù đã đem lại thành công cho chiến dịch tấn công của Đức, mặc dù họ phải hứng chịu tổn thất không ít bởi hỏa lực mặt đất của đối phương.

Trong thời kỳ này, độ tin cậy của việc nhảy dù không được cao như ngày nay. Lính dù thường không có dù phụ, và nhiều dù không chịu bung sau khi lính đã nhảy ra khỏi máy bay, dẫn đến những cái chết thương tâm. Ngay cả trong huấn luyện, tình trạng quân nhân chết hoặc bị thương khi nhảy dù không phải là hiếm gặp.

Trong chiến đấu, lính dù thường nhảy ra khỏi máy bay mà không mang theo các loại vũ khí hạng nặng và nhảy xuống những nơi đối diện với hỏa lực của kẻ thù. Ngoài ra, những chiếc máy bay vận tải chở họ còn là mục tiêu kềnh càng, ngon ăn dễ dàng bị hỏa lực phòng không của đối phương bắn hạ ngay khi người lính dù đầu tiên còn chưa kịp nhảy xuống.

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 2

Lính dù Anh trên khoang một chiếc máy bay vận tải C-47

Đổi lại, khả năng tấn công chớp nhoáng và bất ngờ của lực lượng lính dù mang lại hiệu quả tác chiến vô cùng cao có thể làm mê mẩn bất cứ chiến lược gia quân sự nào. Trước cú sốc do lính dù Đức gây ra ở trận Crete, quân đội Anh và Mỹ mới bắt đầu thực sự chú trọng vào lực lượng chiến lược này.

Tuy nhiên Liên Xô mới là nước đầu tiên của phe Đồng minh sử dụng lực lượng lính dù trong tác chiến. Ngày 23/2/1942, hơn 7000 lính dù Liên Xô thuộc Lữ đoàn Dù số 4 đã nhảy dù xuống thị trấn Vyazma để thực hiện chiến dịch Rzhev-Vyazma.
Bốn ngày sau, Sư đoàn Dù số 1 của Anh mới bắt đầu có những trải nghiệm thực sự đầu tiên trên chiến trường trong chiến dịch Biting. Khoảng 120 đặc nhiệm dù Anh đã đáp xuống khu vực Bruneval bị quân Đức chiếm đóng trên đất Pháp để chiếm một trạm radar.
Theo kế hoạch, các đặc nhiệm dù này sau khi nhảy xuống đất địch sẽ tấn công trạm radar và sau đó rút ra bờ biển để lên một chiếc tàu chiến đang đợi sẵn. Trong chiến địch đột kích táo bạo đó, quân Anh mất hai lính dù và 6 người khác bị thương, nhưng họ đã lấy được thiết bị radar tối mật của Đức rồi rút ra biển an toàn.

Dù đây chỉ là một chiến dịch nhỏ, song thắng lợi của nó đã trở thành một liều doping động viên tinh thần cho dư luận nước Anh đang không ngớt lo lắng về cuộc chiến, đồng thời thể hiện tính hiệu quả ưu việt của lực lượng lính dù trong tác chiến.

Đến cuối năm 1942, Trung đoàn Bộ binh Nhảy dù 509 của quân đội Mỹ mới có chiến dịch tấn công đầu tiên trong lịch sử. Trong chiến dịch này, 39 chiếc máy bay vận tải C-47 chở theo hơn 500 lính dù đã cất cánh từ Anh tới các mục tiêu ở Bắc Phi.

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 3

Sĩ quan dặn dò các lính dù Mỹ trước khi lên đường làm nhiệm vụ

Tuy nhiên chiến dịch này không hề thành công như mong đợi. Chỉ có 10 chiếc máy bay đến được mục tiêu là 2 sân bay đang do phe phát xít kiểm soát, và một số máy bay còn bị lạc đội hình, buộc phải chuyển hướng hạ cánh xuống Gibraltar.

Một số chiếc lại nhầm mục tiêu và thả lính dù xuống một sa mạc rộng lớn, khiến lính dù phải vất vả hành quân trên bộ suốt một quãng đường xa mới đến được mục tiêu, làm mất tính bất ngờ và chớp nhoáng của chiến dịch. Một tuần sau, một nhóm lính dù khác mới thực hiện cuộc đổ bộ thành công hơn xuống dọc biên giới Tunisia.

Đến cuối năm 1942, khái niệm về tác chiến lính dù ngày càng được hoàn thiện khi lực lượng “thiên binh” này ngày càng được sử dụng nhiều hơn và hiệu quả hơn. Ngày càng có thêm nhiều lính dù được đào tạo, và các chiến thuật nhảy dù cũng được thay đổi tùy theo tính chất của từng nhiệm vụ.

Đến thời kỳ này, lực lượng lính dù của phe Đồng minh đã bắt kịp với khả năng tác chiến của lính dù Đức, và đến cuộc tấn công vào Sicily năm 1943, các đơn vị lính dù đã trở thành một lực lượng không thể thiếu trong quân đội Đồng minh.
Cho đến cuộc đổ bộ Normandy năm 1944, các đơn vị nhảy dù của phe Đồng minh đã trở thành những lực lượng tinh nhuệ có kỹ năng và trình độ cao. Trong cuộc đổ bộ mang tính bước ngoặt này, những cuộc nhảy dù của Sư đoàn Dù 101, 82 của Mỹ Sư đoàn Dù 6 của Anh đã trở thành lực lượng tối quan trọng đảm bảo cho thành công của chiến dịch.

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 4

Lính Mỹ đổ bộ bằng dù xuống đất Pháp trong chiến dịch lịch sử Normandi

Tuy nhiên, cuộc đổ bộ Normandy vẫn không phải là chiến dịch nhảy dù lớn nhất trong lịch sử chiến tranh. Kỷ lục này thuộc về chiến dịch Varsity diễn ra vào ngày 24/3/1945, khi hơn 16.000 lính dù và hàng ngàn máy bay của liên quân Anh-Mỹ nhảy xuống chiến trường chỉ trong một ngày để giành quyền kiểm soát vài cây cầu bắc qua sông Rhine.

Bên kia chiến tuyến, quân đội Đế quốc Nhật Bản cũng xây dựng một lực lượng lính dù hải quân có tên gọi là Rikusentai gây ra nhiều nỗi khiếp đảm ở châu Á. Tháng 1/1942, lực lượng Rikusentai của Nhật Bản nhảy dù xuống Indonesia và quét sạch lực lượng phòng thủ Hà Lan trong trận chiến Manado. Quân Nhật tiếp tục tổ chức nhiều chiến dịch nhảy dù khác sau khi xâm lược Timor và Sumatra trong năm 1942.

Tháng 12/1944, 750 lính bộ binh nhảy dù của Nhật Bản (Teishin Shudan) đã mở một chiến dịch nhảy dù quy mô lớn vào các sân bay do lính Mỹ kiểm soát ở Philippines. Hơn một nửa số lính dù này thiệt mạng khi máy bay của họ bị hỏa lực phòng không đối phương bắn rơi, 300 lính dù còn lại chiến đấu quyết liệt với quân Mỹ và gây ra thiệt hại nặng nề cho đối phương.

Có thể nói Thế Chiến II là thời kỳ hoàng kim của lực lượng lính dù và cũng là thời kỳ các chiến thuật nhảy dù liên tục được phát triển, thay đổi và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ tác chiến.

Trong thời kỳ này, sự xuất hiện bất thình lình “từ trên trời rơi xuống” theo đúng nghĩa đen của những người lính dù luôn là nỗi khiếp đảm cho bất cứ lực lượng phòng thủ nào. Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô đã góp phần tạo nên bước ngoặt của chiến tranh, giúp phe Đồng minh có được chiến thắng vang dội trước phe Phát xít.

Sau Thế Chiến II, người ta không còn thấy những chiến dịch nhảy dù cấp sư đoàn hay lữ đoàn với những cánh dù ngập trời nữa, thay vào đó là những chiến dịch cỡ tiểu đoàn gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, lính dù ngày càng trở nên gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn với lực lượng nhỏ hơn, cơ động hơn, thể hiện tính ưu việt của lực lượng “thiên binh” này.

Post a Comment

 
Copyright © 2014 VNNews - Kênh tin tức - Giải trí - Xã hội.